Mất răng không chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười mà còn gây trở ngại cho việc ăn nhai và nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng nếu không sớm can thiệp. Vậy nguyên nhân mất răng là gì? Hậu quả của tình trạng này và làm thế nào để khắc phục? Tất cả sẽ được Nha Khoa Kim giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
Mất răng là gì?
Mất răng là tình trạng một/nhiều răng không còn tồn tại trên cung hàm, làm xuất hiện khoảng trống giữa các răng. Rụng răng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ bệnh lý răng miệng cho đến chấn thương. Trong một số trường hợp, răng có thể bị mất toàn bộ hoặc chỉ còn lại phần chân răng.
Nguyên nhân làm mất răng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng răng, trong số đó phải kể đến như:
Sâu răng
Sâu răng là một bệnh lý răng miệng phổ biến, xảy ra khi vi khuẩn trong mảng bám ăn mòn mô cứng răng, tạo ra các lỗ nhỏ. Sâu răng nếu không sớm chữa trị có thể ảnh hưởng đến tủy răng và gây ra các biến chứng như: đau răng, nhiễm trùng và có nguy cơ mất răng.
Viêm nha chu
Là tình trạng viêm nhiễm kéo dài, về lâu dài sẽ làm suy giảm các cấu trúc xung quanh răng như lợi, dây chằng, xương ổ răng,… Viêm nha chu tiến triển theo từng giai đoạn và nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây rụng răng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ.
U nang xương hàm
Khi các u nang phát triển trong xương hàm sẽ tạo áp lực cho răng và xương, dẫn đến răng di chuyển hoặc thậm chí là mất răng vĩnh viễn. Một số trường hợp, để tránh u nang lan rộng và ảnh hưởng đến vùng lân cận, bác sĩ buộc phải nhổ bỏ răng.
Tổn thương/chấn thương
Một số tổn thương có thể gây mất mô cứng răng, nếu không tìm cách khắc phục kịp thời có thể dẫn đến viêm tủy răng và rụng răng vĩnh viễn. Chẳng hạn như: mòn răng, tiêu cổ răng, tiêu chân răng, nứt vỡ răng,…
Ngoài ra, nếu bạn có thể không may gặp phải tai nạn, chấn thương trong quá trình sinh hoạt hằng ngày cũng có thể dẫn đến mất răng.
Thiếu răng bẩm sinh
Được biết đến với đặc điểm là thiếu một hoặc toàn bộ răng bẩm sinh. Các yếu tố chính dẫn đến tình trạng này có thể là do di truyền, không hình thành mầm răng vĩnh viễn, mầm răng mọc ngầm hoặc bị nhổ nhầm từ khi còn nhỏ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mất răng?
Có một số bệnh lý răng miệng và hành vi làm tăng nguy cơ mất răng, bao gồm:
- Sâu răng
- Ăn uống nhiều đường, tinh bột
- Hút thuốc lá
- Không thăm khám răng miệng định kỳ
- Vệ sinh răng miệng kém
Ngoài ra, tình trạng rụng răng càng trở nên nghiêm trọng hơn với những người mắc các bệnh lý sau:
- Tiểu đường
- Bệnh tim
- Hen suyễn
- Vấn đề về phổi
- Vấn đề về gan
- Viêm khớp dạng thấp
- Đột quỵ
Phân loại mất răng
Có 2 dạng mất răng phổ biến là:
Mất răng từng phần (bán phần)
Là tình trạng thiếu 1 hoặc nhiều răng trên 1 hoặc cả 2 cung hàm. Theo phân loại Kennedy (một nghiên cứu về mất răng được thực hiện vào năm 1925 bởi Dr. Edward), tình trạng mất răng từng phần được chia làm 6 loại chính.
Phân loại này giúp người bệnh dễ hình dung về các kiểu thiếu răng ở cung hàm:
- Loại I: Mất cả 2 bên, khoảng trống nằm sau các răng còn lại.
- Loại II: Mất 1 bên, khoảng trống nằm sau các răng còn lại.
- Loại III: Mất 1 bên, răng vẫn còn ở trước và sau khoảng trống.
- Loại IV: Khoảng trống ở cả 2 bên đường giữa hàm và phía trước các răng còn lại, không có răng còn lại nằm trong khoảng trống.
- Loại V: Mất ở 1 bên, vẫn còn răng sau và trước gần khoảng trống. Các răng gần khoảng trống không thể hỗ trợ cho việc phục hình.
- Loại VI: Mất ở 1 bên, vẫn còn răng sau và trước gần khoảng trống. Các răng gần khoảng trống không thể hỗ trợ cho việc phục hình.
Ngoài ra, mất răng từng phần theo phân loại Kourliandsky còn được chia thành 3 dạng như sau:
- Loại I: Còn tối thiểu 3 điểm chạm
- Loại II: Còn 2 điểm chạm
- Loại III: Không có điểm chạm
Cách phân loại này giúp bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng thiếu răng. Từ đó chỉ định phương pháp phục hình phù hợp cho từng tình trạng.
Mất răng toàn bộ (toàn hàm)
Là tình trạng mất toàn bộ răng trên 1 hoặc cả 2 cung hàm. Khi mất toàn bộ răng, các răng vĩnh viễn không thể mọc lại. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng.
Hậu quả của mất răng là gì?
Khi bị mất răng, người bệnh sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như:
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Thiếu răng sẽ làm xuất hiện một khoảng trống lớn khi cười nói nên nhiều người cảm thấy tự ti và e ngại khi giao tiếp, đặc biệt là ở những vị trí dễ nhìn thấy như răng cửa.
Suy giảm chức năng ăn nhai
Khi mất răng, cung hàm sẽ xuất hiện khoảng trống, làm việc ăn uống gặp nhiều bất tiện. Khi đó, thức ăn sẽ không được nghiền nhỏ trước khi đưa xuống dạ dày, buộc dạ dày phải làm việc nhiều hơn để cơ bóp, nhào trộn thức ăn và chuyển hóa chất dinh dưỡng. Về lâu dài, dạ dày sẽ bị quá tải, dễ tổn thương và dẫn đến đau.
Tiêu xương hàm
Khi răng không còn lực tác động, xương hàm sẽ bị tiêu biến. Tình trạng tiêu xương hàm kéo dài làm giảm khả năng phục hình răng bằng các biện pháp nha khoa. Lúc này, để trồng răng mới, bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật ghép xương.
Xô lệch răng, sai khớp cắn
Khi một chiếc răng rụng đi, răng ở hàm đối diện sẽ không còn sự hỗ trợ. Theo thời gian, chiếc răng này có xu hướng trồi lên, tụt xuống về phía răng đã rụng. Dẫn đến lệch khớp cắn tự nhiên của hàm, ảnh hưởng nhiều đến khả năng nhai, cắn thức ăn.
Không chỉ răng đối diện mà 2 răng bên cạnh cũng không còn điểm tựa. Do đó, chúng có xu hướng di chuyển về phía khoảng trồng của răng đã rụng. Điều này làm xuất hiện các khoảng trống, khiến các răng còn lại tiếp tục lệch theo.
Hóp má, lão hóa sớm
Như đã nói, tình trạng mất răng kéo dài sẽ làm xương hàm tiêu biến dần. Khi đó, 2 bên má sẽ hóp vào, da mặt nhăn nheo, chảy xệ và xuất hiện nếp nhăn ở vùng da xung quanh miệng. Khuôn mặt bạn lúc này sẽ già đi trông thấy.
Đau đầu, đau cổ vai
Khi thiếu răng, lực nhai tác động lên các răng kế bên sẽ tăng lên một cách bất thường. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dây thần kinh kết nối 2 xương hàm, gây ra tình trạng đau đầu, đau cổ vai,…
Ảnh hưởng đến phát âm
Các răng trên cung hàm đóng vai trò quan trọng trong việc phát âm. Vì vậy, khi thiếu bất kỳ một răng nào bạn có thể sẽ không nói được “tròn vành rõ chữ”, dẫn đến tình trạng nói ngọng.
Rối loạn khớp thái dương hàm
Khi mất răng, sự nâng đỡ của khớp cắn lên khớp thái dương hàm sẽ không còn được ổn định. Điều này dẫn đến loạn năng khớp thái dương hàm, gây đau đầu, đau thái dương và các triệu chứng bất thường ở vùng cổ vai gáy.
Mất răng nên làm gì?
Trồng răng mới được xem là biện pháp giúp khắc phục và hạn chế các hậu quả, tác hại do mất răng gây ra. Hiện nay, có 3 kỹ thuật phục hình răng mất mà bạn có thể áp dụng, bao gồm:
Trồng răng Implant
Trồng răng Implant có thể áp dụng cho các trường hợp mất một, nhiều răng hoặc mất răng toàn hàm. Kỹ thuật này sử dụng trụ Implant cấy trực tiếp vào xương hàm để thay thế cho phần răng thật, giúp khôi phục thẩm mỹ và chức năng ăn nhai của răng.
Đối với trường hợp mất răng toàn hàm, bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân sử dụng phương pháp trồng răng Implant All on 4 hoặc All on 6. Cụ thể, bác sĩ sẽ cấy trực tiếp 4 hoặc 6 trụ Implant vào xương hàm, sau đó gắn cầu răng sứ lên trên.
Ưu điểm:
- Phục hồi khả năng ăn nhai và thẩm mỹ gần như tuyệt đối
- Dễ dàng vệ sinh răng miệng tại nhà
- Ngăn ngừa biến chứng như: tiêu xương, lão hóa sớm
- Răng Implant tồn tại độc lập, không ảnh hưởng răng kế cận
- Chi phí thực hiện 1 lần, sử dụng trọn đời nếu chọn đúng nha khoa
- Áp dụng cho mọi trường hợp.
Nhược điểm:
- Đạt yêu cầu về sức khỏe
- Chi phí cao
Làm cầu răng sứ
Cầu răng sứ được chế tạo khi có tối thiểu 3 răng sứ liền nhau và gắn cố định vào trụ răng thật bằng keo nha khoa. Bác sĩ sẽ mài một phần răng thật ở hai răng bên cạnh răng mất để tạo trụ cầu, giúp cầu răng vững chắc trên cung hàm.
Ưu điểm:
- Mang đến hàm răng đều đẹp, có tính thẩm mỹ cao.
- Đảm bảo chức năng ăn nhai
- Thời gian phục hình nhanh chóng (chỉ từ 1 – 3 ngày)
- Chi phí rẻ hơn nhiều so với cấy ghép Implant
Nhược điểm:
- Ảnh hưởng đến cấu trúc răng thật do phải mài răng để tạo trụ
- Chỉ thực hiện khi 2 răng bên cạnh răng mất vẫn còn đủ khả năng
- Tình trạng tiêu xương hàm, tụt nướu, lão hóa vẫn có xảy ra
- Phải thực hiện nhiều lần, gây tốn kém chi phí
Hàm giả tháo lắp
Đây là phương pháp phục hình răng truyền thống, đặc biệt phù hợp với những người có xương hàm yếu, những người lớn tuổi không có đủ sức khỏe để trồng răng Implant hay làm cầu răng sứ.
Ưu điểm
- Chi phí thấp
- Quy trình thực hiện nhanh chóng (từ 3 – 7 ngày)
Nhược điểm:
- Khả năng ăn nhai chỉ đạt từ 40 – 60%, không thể nhai thức ăn cứng
- Dễ bị rơi rớt khi ăn uống, giao tiếp
- Dễ bị kẹt thức ăn, gây ra mùi hôi miệng
- Gặp nhiều bất tiện do phải tháo ra để ăn uống và vệ sinh răng miệng hằng ngày
- Không thể ngăn chặn tình trạng tiêu xương, lão hóa
- Thời gian sử dụng ngắn, chỉ từ 3 – 5 năm
Biện pháp ngăn chặn mất răng
Sau đây là một số biện pháp giúp bạn ngăn chặn tình trạng rụng răng xảy ra:
- Vệ sinh răng miệng mỗi ngày: Thực hiện vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.
- Sử dụng chỉ nha khoa: Sử dụng chỉ nha khoa sau khi ăn xong để kẽ răng sạch mảng bám – nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý răng miệng.
- Thăm khám nha khoa định kỳ: Thăm khám nha khoa 6 tháng/lần để kiểm soát tốt các vấn đề răng miệng.
- Điều trị sớm các bệnh lý răng miệng: Khi phát hiện các bệnh lý như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, áp xe răng,…cần có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để bệnh kéo dài có thể dẫn đến mất răng vĩnh viễn.
Đảm bảo vệ sinh răng miệng và khám răng định kỳ giúp hạn chế và ngăn ngừa tình trạng rụng răng
Mất răng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn cả sức khỏe của mỗi cá nhân. Vì vậy, nếu chẳng may gặp phải tình trạng này bạn nên đến ngay các cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.